Giải Ngân là gì? Những vấn đề liên quan cần biết về Giải Ngân

Nếu đang làm việc trong ngành Tài chính hoặc là người quan tâm đến các vấn đề Tài chính hẳn bạn sẽ không còn xa lạ gì với cụm từ “giải ngân” nữa đúng không? Thế nhưng không phải ai cũng có thể hiểu rõ được ý nghĩa của thuật ngữ này bởi nó là một khái niệm khá trừu tượng. Bài viết hôm nay của mình sẽ giúp bạn giải nghĩa cụm từ này và các vấn đề xung quanh nó.

1. Giải ngân nghĩa là gì?

Giải ngân (trong tiếng Anh là drawdown hoặc disbursement) là một khái niệm kinh tế thường sử dụng trong lĩnh vực vay và nợ ngân hàng với nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng tựu trung lại, giải ngân hiểu đơn giản là là một quá trình mà mỗi hạng mục công việc, dự án hoàn thành bạn sẽ nhận được ngân sách, nguồn vốn đầu tư tương ứng với hạng mục, dự án đó theo một kế hoạch định sẵn và tất nhiên bạn phải có nguồn tài sản đảm bảo cho khoản vay mà bạn thực hiện. Theo đó, sau khi thực hiện các thủ tục vay đã được ngân hàng chấp thuận, bước giải ngân là việc ngân hàng chi tiền cho từng đợt nhận nợ của khách hàng. Đối với 1 hợp đồng vay có thể xảy ra các trường hợp, giải ngân 1 lần hoặc theo từng lần.

Một số người vẫn hay nhầm lẫn giữa giải ngân và rút tiền, tuy nhiên hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau dù có chung tính chất là nhận được một nguồn ngân sách nào đó. Giải ngân thì như đã giải thích ở trên còn rút tiền được hiểu là rút tiền từ số tiết kiệm, quỹ hưu trí… mà mình đã sẵn có.

2. Các hình thức giải ngân 

Hiện nay các ngân hàng đang áp dụng hai hình thức giải ngân phổ biến là giải ngân phong tỏa và giải ngân không phong tỏa. Đây là hai hình thức giải ngân ngân hàng sử dụng trong trường hợp vay mua nhà.

  • Giải ngân phong tỏa 

Giải ngân phong tỏa là hình thức ngân hàng giải ngân số tiền mà người mua đề nghị vay cho bên người bán. Tuy nhiên, tại thời điểm này mặc dù bên bán đã nhận được tiền trong tài khoản nhưng số tiền đó sẽ bị ngân hàng “tạm khóa”, bên bán không được phép rút ra sử dụng mà phải chờ người mua hoàn thành thủ tục đăng ký sang tên tài sản tại cơ quan có thẩm quyền.

  • Giải ngân không phong tỏa 

Giải ngân không phong tỏa là hình thức giải ngân mà người mua đề nghị vay sang tài khoản của bên bán, bên bán có thể rút được số tiền đó và sử dụng ngay.

Phương thức giải ngân này mang đến sự nhanh chóng đối với người bán, nhất là trong tình huống người bán đang có nhu cầu tiền gấp.

3. Điều kiện để được giải ngân 

Để có thể  giải ngân thành công thì bạn cần lưu ý đảm bảo điều kiện như sau:

  • Phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật và thủ tục liên quan đến thuế GTGT cũng như là về chi phí giải ngân.
  • Cần đảm bảo rằng chi phí liên quan sẽ thuộc về người mua chứ không phải thuộc về doanh nghiệp mình. Ở đây họ chỉ đóng vai trò chính là người đại diện cho người mua thanh toán cho bên thứ ba.

  • Người mua cần phải nhận và đồng thời sử dụng dịch vụ bên thứ ba cung cấp và họ sẽ chịu trách nhiệm thanh toán cho bên thứ 3 cũng như ủy quyền thanh toán.
  • Cuối cùng các khoản thanh toán cần được ghi riêng biệt trên hóa đơn để sau đó chỉ thu hồi chính xác số tiền đã thanh toán cho bên thứ 3.

4. Quy trình  

Giải ngân là một trong năm bước quan trọng trong quy trình tín dụng khi vay vốn ngân hàng và nó sẽ là bước cuối cùng để ngân hàng có thể xuất tiền ra. Do vậy quy trình cũng chính là quy trình vay vốn. Sau đây là các quy trình để bạn có thể hoàn thành quá trình giải ngân.

Bước 1: Đăng ký, kê khai và xác nhận thông tin

Theo đó, ở bước 1, khách hàng đăng ký, kê khai thông tin vay vốn tại ngân hàng hoặc công ty tài chính. Thông tin kê khai bao gồm : Các thông tin về nhân thân, mục đích vay vốn, khả năng hoàn trả vốn… Chuyên viên ngân hàng (công ty tài chính) đó sẽ tiếp nhận và xác thực tính chính xác của thông tin khách hàng đã kê khai.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ thủ tục

Hồ sơ vay vốn quyết định một phần nào đó số tiền mà bạn được vay, cho nên ở bước này, khách hàng cần chuẩn bị đầy đủ và chính xác các loại giấy tờ cần thiết.

Các loại hồ sơ mà khách hàng cần chuẩn bị để quá trình giải ngân nhanh chóng được diễn ra cụ thể bao gồm : 

  • Hồ sơ pháp lý: CMND, hộ chiếu, sổ hộ khẩu (hoặc KT3), giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của khách hàng vay.
  • Hồ sơ tài chính: Loại hồ sơ này bao gồm tất cả giấy tờ chứng minh thu nhập như hợp đồng lao động còn thời hạn, bảng lương, sao kê lương, giấy đăng ký kinh doanh, sổ sách bán hàng, hóa đơn (với nguồn thu từ kinh doanh), giấy tờ chứng minh sở hữu, chứng minh thu nhập từ tài sản cho thuê.
  • Hồ sơ mục đích sử dụng vốn: Bao gồm các giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn của khách hàng như hợp đồng mua bán, giấy đặt cọc, thông báo nộp tiền, bản dự toán xây sửa nhà, dự toán chi phí, giấy phép kinh doanh, báo cáo tài chính, nhu cầu vốn tương lai
  • Hồ sơ tài sản đảm bảo: Có thể là sổ đỏ, sổ hồng nếu tài sản đảm bảo là nhà đất, giấy đăng kí xe nếu tài sản đảm bảo là ô tô… Khách hàng lưu ý, cần cung cấp thêm CMND, sổ hộ khẩu nếu tài sản là của bên thứ 3.

Bước 3: Thẩm định 

Thẩm định là bước làm việc của các chuyên viên ngân hàng sau khi tiếp nhận hồ sơ từ phía khách hàng. Các chuyên viên ngân hàng sẽ xác định tính chính xác, tính phù hợp của hồ sơ khách hàng. Trường hợp thiếu hồ sơ, chuyên viên có thể yêu cầu khách hàng cung cấp bổ sung. Thậm chí để đánh giá chính xác nhất khách hàng có phù hợp với điều kiện cho vay của ngân hàng hay không, các chuyên viên có quyền đặt thêm một số câu hỏi cho khách hàng về vấn đề vay vốn. 

Bước 4: Phê duyệt khoản vay

Phê duyệt khoản vay là bước thực hiện của cấp trên các tổ chức cho vay. Theo đó, cấp trên sẽ nhận báo cáo thẩm định từ đề xuất xin phê duyệt của chuyên viên thẩm định hồ sơ.Một số trường hợp khi khách hàng vay với số tiền lớn, phía tổ chức cho vay sẽ có thêm bộ phận thẩm định độc lập khác tiến hành thẩm định lại hồ sơ của khách hàng. Điều này nhằm bảo đảm tính minh bạch và khách quan.

Tại bước này, dựa vào hồ sơ và thông tin của khách hàng, các cấp có thẩm quyền của ngân hàng sẽ quyết định đồng ý hay từ chối cho vay đối với hồ sơ vay vốn của khách hàng.

Bước 5: Giải ngân

Giải ngân chính là bước cuối cùng của quá trình vay vốn. Lúc này ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân cho khách hàng số tiền khách hàng mong muốn vay theo đúng hợp đồng đã ký kết. Việc giải ngân tiền vay sẽ diễn ra một lần hoặc nhiều lần tùy vào từng trường hợp vay vốn.

5. Các lưu ý trong quá trình hoàn thành thủ tục

  • Khách hàng nên kê khai trung thực và chi tiết nhất các thông tin ngân hàng yêu cầu để rút ngắn nhất thời gian thẩm định của ngân hàng.
  • Cố gắng sắp xếp thời gian khi ngân hàng yêu cầu để được giải ngân nhanh và tránh lỡ dở công việc.
  • Cần đọc kỹ thông báo cho vay, điều kiện cho vay, các thông tin chi tiết về thời hạn, biên độ, lãi suất… và cần đọc kỹ hợp đồng cho vay trước khi đặt bút ký. Đồng thời tìm hiểu thêm về vay vốn ngân hàng 1-2 tháng trước thời điểm cần sử dụng vốn để tránh lỡ kế hoạch sau này.
  • Nắm rõ các thông tư quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng đối với nước ngoài để tránh những thắc mắc, hiểu lầm không đáng có. Bạn có thể tìm hiểu thông qua đường link phía dưới này 

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tien-te-Ngan-hang/Thong-tu-21-2017-TT-NHNN-phuong-thuc-giai-ngan-von-cho-vay-cua-to-chuc-tin-dung-voi-khach-hang-374562.aspx

Trên đây là toàn bộ các kiến thức liên quan tới cụm từ “giải ngân” như khái niệm, phương thức, quy trình và các lưu ý khi giải ngân. Hi vọng sau bài viết của mình, thuật ngữ trừu tượng này không còn là dấu chấm hỏi trong đầu bạn nữa mà đã là đáp án trả lời rõ ràng, cụ thể. Từ đó giúp bạn dễ dàng tiếp cận hơn nếu cần tới quá trình giải ngân này trong tương lai. 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này và nếu có bất cứ đóng góp gì hãy bình luận phía dưới để mình được biết nhé! 

XEM THÊM: